WEBINAR “QUẢN TRỊ HIỆU SUẤT CÔNG VIỆC – BÀI TOÀN CẦN GIẢI CỦA DOANH NGHIỆP”

CEO EOD Việt Nam trở thành Khách mời – Diễn giả trong Springboard Talks do P&Q Solutions tổ chức với chủ đề: “Quản trị hiệu suất công việc – Bài toán cần giải của doanh nghiệp”.

 P&Q Solutions là một đơn vị uy tín và chuyên nghiệp trong lĩnh vực Tư vấn và đào tạo các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Thời điểm mùa dịch, P&Q Solutions đã triển khai các kế hoạch hỗ trợ tư vấn và khởi động bằng chuỗi sự kiện Springboard Talks với sự tham dự của các Doanh nghiệp Việt Nam. Đây cũng là cơ duyên để EOD Việt Nam được đồng hành trong sự kiện ý nghĩa này với vai trò Khách mời-Diễn giả.

Webinar: “Quản trị hiệu suất công việc– Bài toán cần giải của doanh nghiệp” do P&Q Solutions tổ chức có sự tham gia của bà Bùi Thị Ngọc Anh – Giám đốc công ty TNHH Tư vấn và Đào tạo EOD Việt Nam, Chuyên gia đào tạo và huấn luyện của EOD, cùng gần 100 khách mời đến từ cộng đồng Doanh nghiệp Việt.

Bà Bùi Thị Ngọc Anh – Diễn giả tại chương trình "Quản trị hiệu suất công việc"
Bà Bùi Thị Ngọc Anh – Diễn giả tại chương trình

Quản trị Hiệu suất là trọng tâm chiến lược, quyết định lợi thế cạnh tranh của Doanh nghiệp. Thách thức trong Quản trị hiệu suất là thúc đẩy mối quan hệ giữa nguồn nhân lực trong tổ chức và giá trị mà họ mang lại. Mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức, giúp Doanh nghiệp đạt được mục tiêu chiến lược. Thực tế, Doanh nghiệp đầu tư nhiều nguồn lực để xây dựng hệ thống Quản trị Hiệu suất, nhưng hiệu quả vẫn còn hạn chế. Việc xây dựng Quản trị Hiệu suất đòi hỏi tư tưởng rõ ràng, cùng nền tảng tổ chức vững vàng, được xây dựng bài bản. Nếu không việc thực hiện có thể đi sai định hướng, không phù hợp với tổ chức và tiêu tốn nguồn nhân lực hiện tại. Vậy Quản trị hiệu suất định nghĩa như thế nào? Bao gồm những công việc gì và được thực hiện ra sao? Chúng ta đã có lời giải đáp rõ ràng đến từ chuyên gia Nhân sự EOD Việt Nam.

Nói về tầm quan trọng của Quản trị Hiệu suất trong tổ chức, Bà Bùi Thị Ngọc Anh nhận định: “Theo thống kê, khi Doanh nghiệp không có hệ thống Quản trị và đánh giá hiệu suất công bằng, minh bạch thì 67% nhân viên có hiệu suất cao không gắn bó lâu dài với Doanh nghiệp. Những người có năng lực và tiềm năng để phát triển họ sẽ đi tìm những môi trường mới để được đánh giá và công nhận. Trung bình mỗi nhân viên chỉ làm việc với 48% khả năng của mình và 84% công ty không tận dụng hết tiềm năng của nguồn nhân lực. Nhìn vào những con số này, chúng ta có thể hiểu được giá trị thực tiễn của Quản trị Hiệu suất trong sự phát triển bền vững của Doanh nghiệp. Trước khi chúng ta nghĩ đến những việc đầu tư như tái cơ cấu tổ chức, hay tuyển dụng hàng loạt nhân sự cao cấp thì chúng ta nên ưu tiên việc tận dụng tối đa nguồn nhân lực hiện có để đạt được hiệu quả một cách tốt nhất và tiệm chi phí nhất.”

Chương trình "Quản trị hiệu suất" đưa ra những kiến thức và kinh nghiệm thực chiến
Chương trình đưa ra những kiến thức và kinh nghiệm thực chiến

Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là khép lại năm 2021, một năm đầy biến động trên toàn thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Quá trình dịch bệnh, giãn cách xã hội và làm việc từ xa đã đòi hỏi các tổ chức, doanh nghiệp phải thiết lập trạng thái “bình thường mới” trong vận hành hoạt động; đồng thời cũng đem lại một bài toán khó về Quản trị hiệu suất. Trong 2 tiếng tại chương trình, Ms. Ngọc Anh đã chia sẻ nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm thực chiến của bản thân để giúp Doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan nhất trước khi thực hiện Quản trị hiệu suất.

Một khái niệm rất cụ thể được nêu ra giúp chúng ta có sự hình dung rõ nét về Quản trị hiệu suất. Đây là quy trình xác định, khuyến khích, đo lường, đánh giá, cải thiện và khen thưởng hiệu suất của nhân viên. Hiệu suất là việc xác định được mình đã làm gì và không làm gì. Nó liên quan đến chất lượng công việc đầu vào, thời hạn hoàn thành công việc, tính hợp tác, chất lượng công việc đầu ra và sự hiện diện tại nơi làm việc, tất cả các yếu tố này sẽ tạo ra hiệu suất của nhân viên. Và một yếu tố rất quan trọng là tiêu chí đánh giá cho vị trí công việc mà người đó đang đảm nhận. Quản trị hiệu suất trong tổ chức là quá trình liên tục cải thiện bằng cách thiết lập các mục tiêu cá nhân và nhóm phù hợp với mục tiêu chiến lược của tổ chức bao gồm: Lập kế hoạch quản trị thành tích để đạt được mục tiêu, rà soát và đánh giá sự tiến bộ, phát triển kiến ​​thức, kỹ năng và khả năng của nhân viên.”

Nếu khung năng lực là “xương sống” thì Quản trị hiệu suất chính là bệ đỡ vững chắc cho sự phát triển của tổ chức với các mục đích: Thu hút và giữ chân nhân viên giỏi, kết nối mục tiêu của tổ chức với mục tiêu của cá nhân, cung cấp khung quản trị thành tích công bằng. Phát triển môi trường làm việc và tạo động lực. Đây là cơ sở cho hệ thống lương thưởng, là nền tảng cho quản trị chiến lược, phát triển năng lực, kỹ năng và tiềm năng cá nhân, …

Các nguyên tắc quản trị hiệu suất hiệu quả (Strebler et al 2001)

  • Có mục tiêu rõ ràng và tiêu chí thành công có thể đo lường được
  • Được thiết kế và triển khai với sự tham gia của nhân viên
  • Đơn giản dễ hiểu và vận hành
  • Phải là nền tảng để đạt được tất cả các mục tiêu quản của tổ chức
  • Cho phép nhân viên hiểu rõ về hiệu suất của họ đóng góp vào các mục tiêu của tổ chức
  • Tập trung vào sự rõ ràng của chức năng/ nhiệm vụ và nâng cao hiệu suất
  • Được liên kết chặt chẽ với hệ thống đào tạo và phát triển nguồn nhân lực
  • Liên kết trực tiếp hệ thống khen thưởng và xây dựng hệ thống lương thưởng công bằng và minh bạch
  • Thường xuyên được xem xét dựa trên các tiêu chí thành công

Quản trị hiệu suất được thực hiện dựa trên nguyên tắc đạo đức: Tôn trọng cá nhân – Tôn trọng lẫn nhau – Công bằng về thủ tục – Tính minh bạch.

Chương trình "Quản trị hiệu suất công việc" có sự tham gia của nhiều Lãnh đạo & Quản lý Doanh nghiệp
Chương trình có sự tham gia của nhiều Lãnh đạo & Quản lý Doanh nghiệp

Các hoạt động quản trị hiệu suất là một quá trình liên tục được thực hiện hàng ngày và có sự tổng kết theo định kỳ. Đây là cơ sở để xây dựng chế độ lương thưởng, bộ nhiệm hay điều chuyển công tác, cũng là tiêu chí để xác định điểm mạnh, điểm yếu để xây dựng lộ trình phát triển cho nhân viên. Quản trị hiệu suất là kết quả của sự đánh giá đa chiều giữa: Các thành viên trong nhóm, nhân viên đánh giá CBQL của họ, CB Quản lý đánh giá cấp dưới của họ, đánh giá của bên thứ ba, nhân viên tự đánh giá, và đánh giá 360 độ. Trong đó, bộ phận nhân sự có trách nhiệm điều phối các hoạt động đánh giá hiệu suất.

Có rất nhiều phương pháp để thực hiện Quản trị hiệu suất nhưng tất cả phải tuân theo những nguyên tắc nhất định để đạt được kết quả tốt nhất. Đó là nguyên tắc CFR:

C – Conversation: Là một cuộc “hội thoại”, nghĩa là thảo luận & phản hồi 2 chiều. Hãy đảm bảo mỗi bên đều có cơ hội được lắng nghe. Trong cuộc hội thoại, hãy dành thời gian để hỏi nhân viên rằng họ cảm thấy họ cần gì để thành công trong vai trò của họ (tức là thêm nguồn lực, thêm thời gian, nhiều ủy quyền hơn, nhiều định hướng hơn).

F – Feedback: Khi được cung cấp đúng cách, phản hồi có thể thúc đẩy và gắn kết nhân viên, tối ưu quy trình làm việc và tạo ra văn hóa cam kết, trách nhiệm. Việc cung cấp phản hồi có thể là một thách thức nếu không có một nền tảng vững chắc cho các mục tiêu và kỳ vọng.

R – Recognition: Việc ghi nhận nỗ lực, nghị lực, sự tiến bộ và những cột mốc nhỏ đã đạt được trong suốt chặng đường là điều bắt buộc thể hiện giá trị của một nhân viên và góp phần vào cảm giác thân thuộc nói chung của họ trong một môi trường. Việc ghi nhận cần kịp thời và cụ thể. Cung cấp ví dụ về những gì nhân viên đang làm tốt trong thời gian thực ngoài các cuộc trò chuyện phản hồi. Xây dựng và đóng góp vào một công ty hoặc tổ chức văn hóa biết ơn và đánh giá cao.

 

Các phương pháp "Quản trị hiệu suất công việc" thực hiện được chia sẻ chi tiết
Các phương pháp thực hiện được chia sẻ chi tiết

Quản trị hiệu suất là một công việc cần có sự đầu tư về cả nhân lực và nguồn lực bởi những hiệu quả mà nó mang lại là điều kiện “sống còn” cho Doanh nghiệp. Đây là một bài toán khó cho Doanh nghiệp tuy nhiên với sự hỗ trợ của công nghệ, quá trình này đang ngày càng được thực hiện đơn giản và hiệu quả hơn. Phần nhiều thời gian tại chương trình, chuyên gia HR Ms. Ngọc Anh đã chia sẻ về công cụ Quản trị và đánh giá hiệu suất. Trong đó mô hình SMARTER là điểm sáng. Nguyên tắc SMARTER như một chiếc đòn bẩy có thể giúp Doanh nghiệp thiết lập được các mục tiêu thông minh hơn và vượt qua được thử thách khó khăn.

Bên cạnh những kiến thức chuyên môn, chương trình còn mang lại nhiều kiến thức bổ ích trong phần Q&A sôi nổi giữa chuyên gia và khách mời.  BTC hy vọng rằng, buổi hội thảo đã phần nào hỗ trợ các lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng chiến lược quản trị nhân sự, đồng thời đảm bảo các cơ chế đánh giá hiệu suất thích ứng linh hoạt cùng tình hình kinh tế – xã hội đầy biến động hiện tại. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn P&Q Solutions đã cùng hợp tác tổ chức sự kiện hội thảo lần này. Cảm ơn tất cả các doanh nghiệp, đối tác và khách hàng đã dành thời gian quan tâm và tham dự chương trình. Sự đồng hành của quý Doanh nghiệp và đối tác là động lực để EOD Việt Nam tiếp tục phát triển, mang đến những giải pháp Nhân sự tối ưu cho các tổ chức, doanh nghiệp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *