Nhân sự luôn luôn là một trong những bài toán lớn nhất trong sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Xây dựng văn hoá coaching trong doanh nghiệp sẽ góp phần gắn kết nhân sự, nâng cao năng lực – chất lượng nhân sự, cũng như giảm thiểu chi phí đầu tư cho đào tạo nhân sự.
Xây dựng Văn hóa coaching trong doanh nghiệp góp phần trực tiếp thúc đẩy tư duy cởi mở, sáng tạo, tích cực, lắng nghe thông qua trang bị các kỹ năng Coach cho các cấp quản lý lãnh đạo, từ đó tạo ra văn hóa “cởi mở hợp tác, cống hiến và liên tục đổi mới” trong tổ chức. Chìa khóa cho một nền văn hóa làm việc sáng tạo và thú vị là tập hợp một nhóm người thông minh, khiêm nhường và cho họ không gian để thử nghiệm, cho phép nhân viên làm quen với nhau.
Khi các nhân viên hạnh phúc, năng suất sẽ tăng cao hơn và giảm bớt tỉ lệ nghỉ việc dẫn đến tăng lợi nhuận và mang lại thành công lớn hơn. Xây dựng văn hóa coaching khuyến khích sự cộng tác, đây là một tiến trình “hỏi và đáp” theo rất nhiều các chiều khác nhau, để nhân viên gắn bó với nhau, gắn bó với văn hóa công ty tạo nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ.
Văn hoá coaching được nếu được áp dụng triệt để nhằm mục đích truyền cảm hứng thì mọi nhân viên đều làm việc cùng nhau trên những bàn làm việc chung. Với môi trường này, quá trình tương tác diễn ra thường xuyên không cấp bậc, mọi câu hỏi đều được trả lời bởi “cộng đồng” và việc của từng nhân sự là chắt lọc những điều phù hợp với bản thân, để cải thiện khả năng của chính bản thân mình và thúc đẩy sự phát triển chung của toàn hệ thống.
Trong tương lai, coaching sẽ trở thành một trong những năng lực cốt lõi của các quản lý/ lãnh đạo. Văn hoá coaching nên được triển khai trước tiên là với đội ngũ lãnh đạo/ quản lý. Theo đó, coaching giúp cho lãnh đạo phát triển bản thân để trở thành một nhà lãnh đạo truyền cảm hứng, thấu hiểu bản thân, cân bằng cuộc sống và công việc, có tầm nhìn chiến lược và nhất quán trong việc xây dựng văn hoá tôn trọng giá trị và tạo sự kết nối sâu sắc trong doanh nghiệp.
Đội ngũ quản lý- những người đảm nhiệm công việc chuyên môn, chuyên trách, đòi hỏi sự linh hoạt, kỹ năng làm việc với con người và trí tuệ cảm xúc cao. Vậy để đội ngũ quản lý thực sự có sự cảm thông, có mong muốn phát triển nhân viên thì bản thân họ cũng cần được giúp đỡ để tháo gỡ những hoang mang, băn khoăn và thách thức của mình.
Việc tham gia các khoá huấn luyện hàng năm sẽ giúp đội ngũ này giữ vững được tinh thần, thấu hiểu và đồng hành trong xây dựng văn hoá coaching trong doanh nghiệp. Đặc biệt, sẽ là rất tuyệt vời nếu đội ngũ quản lý của doanh nghiệp được dẫn dắt bởi lãnh đạo có tầm nhìn, có kỹ năng khai vấn.
Các buổi coach nhóm ở các cấp độ khác nhau hướng tới việc thiết lập mục tiêu thấu hiểu và cam kết về tầm nhìn chung để đạt được một mục tiêu cụ thể trong doanh nghiệp. Ngoài ra, việc xây dựng những vị trí coach nội bộ là một kênh độc lập giúp tổ chức phát hiện và giải quyết những vướng mắc, khó khăn của nhân sự, việc này đặc biệt cần thiết đối trong việc nuôi dưỡng và giữ chân những nhân tài khó kiếm mà dễ đi.
Đó cũng là điều đáng để cho lãnh đạo các doanh nghiệp/ tổ chức có thêm suy ngẫm về cách thức và lộ trình xây dựng văn hoá coaching trong doanh nghiệp thời đại hiện nay.